Tưởng rằng mọi chuyện đến đây là xong, nhưng ai ngờ mấy vị phụ huynh đó lại oán giận vì bị đội trưởng mắng trước mặt bao người, thế là quay sang đổ hết tức giận lên đầu nhóm thanh niên trí thức.
Ngay sau khi bị đội trưởng dạy dỗ, họ tức giận xồng xộc kéo đến điểm tập trung thanh niên trí thức, chỉ thẳng vào mặt mấy người Trần Anh mà mắng chửi không ngừng.
Họ cho rằng mấy thanh niên trí thức từ thành phố đến đều là những kẻ yếu đuối, dễ bị bắt nạt.
Đáng tiếc lại không phải vậy.
Trần Anh và mấy người trong nhóm đều được ăn học đàng hoàng, dù tính tình có hơi tiểu thư một chút nhưng trước nay bố mẹ họ chưa từng chỉ thẳng mặt mà mắng họ như thế.
Ai mà ngờ, đến vùng quê này lại bị mấy bà thím nông thôn mắng cho đến mức tổ tiên cũng muốn đội mồ sống dậy.
Nhưng người có văn hóa vẫn là người có văn hóa. Dù có mắng trời mắng đất, họ cũng không đấu lại nổi cái miệng bô bô như súng liên thanh của mấy bà thím.
Không chỉ thế, từ miệng những người đứng xem, họ còn biết được sự thật kinh khủng hơn, mấy đứa trẻ kia không phải tự nhiên đến xin ăn, mà là do bố mẹ chúng xúi giục!
Nghe đến đây, mấy người Trần Anh lập tức hiểu ra.
Hóa ra, mấy bà thím vô liêm sỉ này cố tình bảo con mình đến xin ăn từ bọn họ, cố vắt kiệt lợi ích từ nhóm thanh niên trí thức!
Ăn xong rồi còn trở mặt chửi người, trên đời làm gì có chuyện như vậy?!
Cả nhóm giận đến mức muốn nhào vào mà cắn mấy bà thím đó một trận.
Nhưng mà…
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.
Bọn họ dẫu sao cũng là dân từ nơi khác đến, trong làng này, dù có làm ầm lên thì chưa chắc đội trưởng đã đứng về phía họ.
Mắng thua, cũng không có cách nào đối phó với mấy bà thím kia, nhóm thanh niên chỉ có thể nuốt cục tức này xuống.
Nhưng nuốt thế nào cũng không trôi nổi!
Không thể nuốt xuống thì sao đây?
Thế thì phải tìm cách mà trút ra!
Không làm gì được người lớn, vậy thì… chẳng lẽ lại không làm gì được bọn trẻ con sao?!
Đã vậy, nếu bố mẹ chúng không biết xấu hổ, còn dạy con đi xin ăn, thì bọn họ cũng chẳng cần giữ thể diện nữa!
Thế là, kể từ hôm đó, mỗi khi ra ngoài mà thấy đứa trẻ nào chìa tay xin đồ ăn, họ lập tức cầm nhánh liễu lên, đứa nào chìa tay ra là quất ngay!
Cứ thế, bọn trẻ con bị đánh sưng cả tay, vừa khóc vừa chạy về nhà mách bố mẹ.
Lần này, mấy bậc phụ huynh lại nổi giận, hùng hổ kéo đến điểm tập trung thanh niên trí thức đòi lý lẽ.
Nhưng mấy người Trần Anh không còn sợ nữa.
“Chính các người xúi giục con mình đến đây xin ăn!”
“Đã dám bảo chúng đến, thì bọn tôi cũng dám đánh!”
“Đứa nào chìa tay ra thì đứa đó bị đánh!”
“Không phục thì tự về mà dạy lại con cái mình đi!”
Sau trận này, cuối cùng cũng dẹp được bọn trẻ con hư hỏng và những bậc phụ huynh vô lý.
Nhưng nhóm thanh niên mới đến, bao gồm Lâm Ngọc Kiều, lại không hề biết chuyện này.
Vậy nên chỉ vài ngày sau khi đến nơi, Chu Văn Tĩnh, người có điều kiện khá giả nhất nhóm, đã hào phóng phát cho mỗi đứa trẻ trong làng một cái bánh quy.
Hành động này ngay lập tức làm bùng lên “ngọn lửa đã tắt từ lâu“.
Mấy đứa trẻ hư năm nào nay đã lớn thêm vài tuổi, tính cách cũng càng trở nên quá quắt.
Chúng thấy Chu Văn Tĩnh dễ nói chuyện, liền chỉ chăm chăm bám theo cô ấy để xin đồ ăn.
Thậm chí, có lúc còn ngang nhiên giật thẳng từ tay cô ấy!
Chu Văn Tĩnh dù sao cũng lớn lên trong khu tứ hợp viện ở Bắc Kinh, nên không phải chưa từng gặp trẻ con nghịch ngợm.
Nhưng mấy đứa trẻ trong làng Hồng Dương này…
Gọi chúng là “trẻ con nghịch ngợm” thì còn quá nhẹ.
Một đứa, hai đứa, tất cả đều là lũ trẻ hư!
Còn là kiểu hư tận gốc!
Chu Văn Tĩnh tức đến mức nhảy dựng lên. Nếu không phải nhờ Trần Anh chỉ cho một cách đối phó hữu hiệu, e rằng suốt một thời gian dài sau này, cô ấy sẽ bị đám trẻ con kia quấy rầy đến phát điên mất.