Lưu Tú Hoa chỉ học hết tiểu học, biết chữ nhưng đầu óc không được nhanh nhạy lắm. Vì điều kiện gia đình cũng khá giả, mấy anh chị đều là công nhân, chị lại không thích học hành, nên anh chị gom góp tiền cho chị tự mở một cửa hàng nhỏ buôn bán.
Sau đó, kết hôn rồi sinh con, chị và chồng mua lại một cửa hàng nhỏ để bán len.
Cuộc sống thường ngày cũng tạm ổn, nhưng cũng chẳng thể nói là khá giả.
Tuy nhiên, chồng chị là người hiền lành, con cái ngoan ngoãn, chị cảm thấy như vậy cũng đã tốt rồi.
Nhưng khi nhìn lại, thấy khoảng cách giữa mình và những người cùng trang lứa ngày càng lớn, nhất là theo thời gian, sự khác biệt này ngày càng rõ ràng, trong lòng chị cũng có chút hối hận. Hối hận vì lúc trước không chịu học hành tử tế.
Nếu là do điều kiện gia đình không cho phép hay bị người nhà cấm đoán thì không nói làm gì, đằng này, gia đình đã bỏ tiền cho chị đi học, nhưng chị lại chỉ lo chơi bời.
Trong lòng chị vô cùng ngưỡng mộ những người có học thức.
Nhìn người phụ nữ trước mắt có cách ăn nói trôi chảy, lại còn những dòng chữ ngay ngắn được ghi chép cẩn thận trong sổ tay, chị biết ngay đây là người có văn hóa.
Không ngờ chị lại có cơ hội hợp tác với một người có học vấn như vậy.
Chỉ riêng hai chữ “hợp tác” đã khiến chị cảm thấy dễ chịu trong lòng.
“Chị Lưu, nếu chị thấy được, chúng ta ký hợp đồng nhé.”
Kiếp trước, Tào Ái Hoa và Lưu Tú Hoa cũng xem như là người quen cũ.
Chị là một người rất tốt, nhà mẹ đẻ cũng tốt, nhưng gia đình chồng lại không ra gì.
Ban đầu, cuộc sống gia đình chị rất hạnh phúc, nhưng chồng lại mắc bệnh nặng rồi qua đời từ sớm. Nhà chồng không những trách chị khắc chồng, mà còn chiếm đoạt luôn cửa hàng nhỏ này, ngay cả những món hàng ký gửi của những người hợp tác với Lưu Tú Hoa cũng bị gia đình kia cướp sạch.
Lưu Tú Hoa một mình nuôi con gái, cuộc sống vốn đã khó khăn nhưng chị vẫn kiên trì trả lại từng khoản tiền hàng cho các nhà cung cấp.
Một người như vậy khiến Tào Ái Hoa vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ.
Vì vậy, khi chia sẻ phương thức kinh doanh của mình với Lưu Tú Hoa, cô không hề cảm thấy lo lắng.
Dù sao thì, không phải ai cũng có thể vận hành cách này một cách trơn tru. Có phương pháp mà không có nguồn hàng thì cũng chẳng thể làm được gì.
“Được! Rất được! Nhưng chị vẫn thấy chúng ta chia bốn sáu là hợp lý nhất. Chị bốn, em sáu. Nếu em không đồng ý thì chúng ta cũng không cần hợp tác nữa!”
Hiện tại, cuộc sống của Lưu Tú Hoa khá ổn định, chị không thiếu tiền và vẫn còn cửa hàng này.
Nhưng nhìn người phụ nữ trước mặt, có vẻ cuộc sống không được tốt đẹp lắm. Sắc mặt không tốt, tinh thần cũng có phần uể oải, cả người gầy đến mức nhẹ bẫng.
Trong lúc trò chuyện, chị cũng nghe thấy đối phương là nhân viên của trạm thu mua bông vải. Mà thời buổi này, nhân viên trạm bông đều có thu nhập khá tốt.
Sao lại phải tự mình vất vả đi buôn bán? Đã vậy còn là làm nghề đan len – một công việc không chỉ vất vả mà còn rất tốn công sức.
Người trẻ ở độ tuổi hai mươi mấy, chẳng phải đều tranh thủ lúc rảnh rỗi đi đánh bài, tụ tập bạn bè hay sao?
Huống hồ, tay nghề là của người ta, ý tưởng cũng là của người ta, chị chỉ góp chút len và công rao bán, chia ba bảy cũng không hề quá đáng.
“Được, vậy quần áo cho con chị cứ để em lo!”
Tào Ái Hoa là người thẳng thắn, một khi Lưu Tú Hoa đã nói đến mức này, cô cũng không muốn từ chối nữa, tránh để cả hai phải khách sáo qua lại, mất đi sự thoải mái.