Người phụ nữ mập mạp đưa cho Thịnh Tử Việt một cái bát tre, bên trong có một miếng bánh trứng mỏng. Thịnh Tử Việt cúi đầu cắn một miếng, suýt chút nữa bỏng cả lưỡi. Bánh mỏng mềm, viền xung quanh vàng giòn, giữa dày dặn mềm mại. Bột mì thêm trứng gà, đường trắng, bánh rán vàng ruộm, siêu ngon.
Vị ngon đánh thức mọi giác quan. Khoảnh khắc này, sợi dây căng thẳng khi mới bước vào thế giới khác nới lỏng đi rất nhiều.
Cửa phòng mở rộng, trời dần sáng, bên ngoài là một hành lang dài. Bưng bát tre ra khỏi phòng ngủ, đập vào mắt là một bức tranh quần thể bận rộn buổi sáng.
“Khục khục - phì! Xì xì.” Có người bưng cốc ngồi xổm bên mép hành lang, súc miệng, đánh răng vào con mương trước mặt.
“Phụt —” Có người bật nút gỗ trên phích nước nóng, “ầm!” một tiếng đổ nước vẫn còn ấm sau một đêm vào chậu rửa mặt tráng men in hoa, thử nhiệt độ nước rồi dùng khăn mặt rửa mặt.
Một bên hành lang là khu ký túc xá, một nhà dậy thì nhà khác cũng tỉnh, có người xách bếp than ra hành lang nhóm lửa, có người ngáp dài đi ra khỏi nhà đánh răng rửa mặt, gặp nhau cười hì hì gật đầu chào hỏi vài câu.
Bước ra khỏi nhà nhìn ra bên ngoài, đây là một khu sân rộng có tường bao quanh, trong sân trồng ba cây ngô đồng cao lớn, dọc theo tường là một hàng cây keo dậu xanh um tùm, trên tường viện viết những khẩu hiệu màu đen lớn —
“Cố gắng hết mình, phấn đấu đi lên”
“Xây dựng thủy lợi, công tại đương đại, lợi ở ngàn thu”
Tường trắng chữ đen, cảm giác niên đại đậm đặc ập đến.
Trong sân Cục Thủy lợi huyện nhỏ yên bình này, sáng sớm nhóm lửa, nấu cơm, chào hỏi, hòa quyện thành một khung cảnh đời thường, sinh động, hài hòa, ấm áp.
Ăn xong bữa sáng, Lục Quế Chi đưa cho Thịnh Tử Việt một cuốn truyện tranh mới tinh, dặn dò: “Con ở nhà đọc sách, tự chơi nhé, mẹ phải đi làm.”
Tòa nhà hai tầng Thịnh Tử Việt ở quay về hướng nam, hành lang một mặt. Tầng một phía tây là nhà ở, phía đông là phòng tài vụ, phòng nhân sự, phòng làm việc của cục trưởng, tầng hai là phòng vẽ, phòng tư liệu, phòng công trình, phòng thiết bị. Lục Quế Chi đi làm ở trên lầu, tiện chăm sóc con cái hơn.
Thịnh Tử Việt gật đầu, chăm chú lật xem cuốn truyện tranh này. Trên bìa viết hai chữ “Gà Lôi”, ngôn ngữ văn tự không có cảm giác xa lạ, xem ra không thoát ly khỏi không gian ban đầu.
Lật mở trang cuối, vẽ: Trần Bạch Nhất, thời gian xuất bản, tháng 1 năm 1972. Trên trang đầu viết vài chữ bút máy rồng bay phượng múa: Thịnh Đồng Dụ mua tháng 10 năm 1975, tặng Tử Việt.
Thịnh Tử Việt cuối cùng khẳng định, mình đã chết trong trận sóng thần xác sống ở mạt thế, xuyên đến thập niên 70 của Hoa Quốc.
Đây là một niên đại rất tốt, đơn vị phúc lợi chia nhà, còn chưa thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người dân đơn thuần lương thiện, sùng bái sức mạnh tập thể.
Đây là một niên đại gian khổ, kinh tế kế hoạch, không cho phép buôn bán chợ đen, ăn, mặc, ở, đi lại đều do nhà nước phân phối theo tiêu chuẩn.
Hộ khẩu thành phố mỗi nam giới mỗi tháng 17 cân gạo, phụ nữ 15 cân, trẻ em 13 cân, phiếu thịt, phiếu vải, phiếu dầu phát theo tháng. Rau, hoa quả chỉ có thể mua từ hợp tác xã cung tiêu, số lượng ít, chủng loại ít, giá cả đắt đỏ, người bình thường căn bản không tiêu thụ nổi.
Kem, cà phê, bánh mì, sô cô la, giày thể thao, quần áo thể thao, váy hoa, radio, xe đạp... vốn dĩ không hiếm có ở hậu thế, đều là hàng xa xỉ ở niên đại này.
Vô số thông tin tràn vào não, Thịnh Tử Việt ôm cuốn truyện tranh trong tay, đầu nghiêng một cái, nằm sấp bên giường ngủ thiếp đi. Một cuốn sách vàng rực xuất hiện trong giấc mơ, tên sách là “Trọng Sinh Thập Niên 70 Nữ Phú Hào“.
Nữ chính Lục Nhụy trọng sinh trở lại thập niên 70, nắm chắc mọi cơ hội phát triển của thời đại, nỗ lực kiếm tiền, trở thành phú hào số một Hoa Quốc.