Hai người vừa đi vừa trò chuyện, đến đoạn đường vắng thì Trần Mộc Văn cõng cô đi một đoạn, tốc độ đi cũng không chậm.
Khi đến huyện, Giang Văn Thanh bảo Trần Mộc Văn lấy giấy ghi những món cần mua ra: “Mình mua đồ trước cho đủ, tránh quên cái gì.”
Trần Mộc Văn đồng ý. Huyện Tuyên Giang rõ ràng không phải là một nơi giàu có.
Giang Văn Thanh vào huyện, lập tức nhìn ngó xung quanh. Nhà cửa hai bên đường chính đều cũ kỹ, xám xịt, thậm chí có những ngôi nhà cô nhìn thấy chỉ có thể dùng từ tồi tàn để miêu tả.
Đi bộ khoảng mười phút từ hướng họ vào thì đến được đường chính. Con đường chính này là khu kinh tế sầm uất nhất của huyện Tuyên Giang, nơi đây có bưu điện, cung tiêu xã, nhà hàng quốc doanh và khách sạn nhân dân quốc doanh đều nằm trên cùng một con phố.
Ở giữa đường chính có một vòng xoay lớn, cung tiêu xã nằm gần đó.
Cung tiêu xã của huyện Tuyên Giang có hai tầng, khi bước vào, toàn bộ quầy hàng đều lộ ra trước mắt. Bên tay trái lần lượt là các quầy bán quần áo may sẵn, vải vóc và đồ gia dụng, Giang Văn Thanh nhìn thấy trên kệ có những chiếc phích nước hoa văn giống hệt chiếc ở nhà cô.
Ngoài ra còn có quầy bán đường, bánh kẹo, dầu mắm và các mặt hàng thiết yếu khác.
“Sốp” tuy nhỏ, nhưng hàng hóa rất đa dạng.
Trần Mộc Văn nói trên lầu còn có các quầy bán máy khâu, xe đạp, đài phát thanh và đồng hồ, Giang Văn Thanh hiểu rằng những món đồ đắt tiền đều được đặt trên lầu.
Hai người mua các vật dụng như kim, chỉ, cúc áo, rồi mua cho thím Lưu ở đối diện hai gói thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau này chỉ có 2 xu một gói, bà cụ Lưu hay dùng nó.
Trước đây, thuốc có thể được đổi tại phòng khám trong đội nhưng gần đây đội hết thuốc, thím Lưu gặp đúng lúc hai người lên huyện nên nhờ họ mua giùm.
Giang Văn Thanh thấy có dầu gió, lập tức mua một hộp cho Trần Thúy Xuân, giá 5 xu.
Trương Lan Hương nhờ cô mua một hộp dầu sò, còn Uông Tuyết thì “dốc túi” nhờ cô mua một cân đường đỏ, cả tiền lẫn tem phiếu đều đã đưa đủ.
Mua đồ xong cho mọi người, Giang Văn Thanh mới bắt đầu mua đồ cho mình.
Cô mua một cục xà phòng, loại này cần tem phiếu và giá tới 3 hào 8. Kẹo trái cây được bán lẻ theo viên, có loại 8 xu một cân, cô mua một cân mang về cho Trần Mộc Đào, còn mua thêm hai gói kẹo ô mai muối.
Giang Văn Thanh ngắm nghía một hồi, món này hồi nhỏ cô cũng từng ăn, khi đó gọi là “phân chuột.”
Mua đồ cho Trần Mộc Đào xong, Giang Văn Thanh tự thưởng cho mình một cân bánh nếp chiên, tuy nó cùng giá với bánh trứng gà nhưng cô thấy món này hợp lý hơn vì vừa được chiên vừa được phủ đường, nhìn đã thấy thỏa mãn cơn thèm.
Mua sắm xong xuôi, Trần Mộc Văn dẫn Giang Văn Thanh đi mua kem sữa. Được anh cả đãi, Giang Văn Thanh ăn mà không chút tiếc nuối gì.
“Quả là không phải bỏ tiền ra ăn thấy ngon hơn hẳn!”
Trần Mộc Văn cười: “Vậy lần sau để anh cả mời tiếp.”
Giang Văn Thanh: “... Đúng là chuyên đi đục khoét anh cả.”
Kem sữa ngon hơn hẳn kem đường mía, không chỉ ngọt hơn mà còn có vị sữa thơm lừng.
Ăn xong, Trần Mộc Văn bảo cô đợi một lát: “Anh đi đổi trứng gà.”
Giang Văn Thanh liếc anh một cái: “Đi đi, cẩn thận một chút.”
Thực ra hợp tác xã cũng có thể đổi trứng, chỉ là giá trứng lại giảm so với lần trước.
Lần trước, trứng vẫn được giá 2 hào 3 một cân, giờ chỉ còn 2 hào 2.
Trần Mộc Văn đợt này muốn đổi cho người quen, Giang Văn Thanh cũng không ngăn cản.
Dù sao 1 xu cũng là tình cảm, 1 xu cũng là sự yêu thương.
Trần Mộc Văn đi không lâu, trở về với chiếc sọt trống không. Đoạn đường đông người qua lại, Giang Văn Thanh không hỏi gì, chỉ đợi anh đến và họ tiếp tục đi.
Đi được một đoạn xa, cô mới hỏi: “Người quen của anh trả giá thế nào?”
“2 hào 5.”
Giang Văn Thanh im lặng một lúc: “Họ có thu nhận đồ ăn sẵn không?”
Trần Mộc Văn nhướng mày: “Có, nhưng chẳng phải em không muốn anh đi tìm họ sao?”
Giang Văn Thanh thở dài: “Không còn cách nào khác. 1 xu cũng là tiền. Chúng ta còn phải mua xe đạp, vừa rồi em lên lầu xem, mỗi chiếc xe ngoài phiếu còn phải trả tới 163 đồng 5 xu nữa! Nếu không tìm cách kiếm thêm tiền, có lẽ 10 năm sau chúng ta mới mua nổi xe đạp.”
Trần Mộc Văn hơi áy náy: “Đều tại anh không có bản lĩnh, để em phải lo nghĩ quá nhiều.”
(Ảnh thương dzợ quá.)