Nghe ông ấy nói vậy, bà cụ Trần lại bật khóc nức nở. Bà ấy nghĩ, đúng là thằng ba rất cứng rắn, nó chẳng hiểu được nỗi khó xử của cha mẹ.
Hồi đó, nhà đông miệng ăn như thế, nếu không chia bớt họ ra thì cả nhà chết đói rồi.
Người ta nói cha mẹ chẳng bao giờ sai, chuyện đã qua bao nhiêu năm rồi, tại sao nó vẫn cứ giữ mãi trong lòng, không chịu buông bỏ?
Bà ấy không muốn nghĩ đến cảm xúc của thằng ba khi bị đuổi ra khỏi nhà hồi đó, bởi nếu nghĩ đến, nỗi hổ thẹn và day dứt của bà ấy sẽ càng sâu đậm hơn.
Bao nhiêu năm nay, bà ấy đã từ bỏ cảm giác hối hận, thay vào đó là một mối oán hận giằng xé trong lòng.
Có lẽ do tuổi già, cộng với mùa thu hoạch lúa quá mệt mỏi, hôm sau, bà cụ Trần ngã bệnh, không dậy nổi.
Nhà Trần Lương Phong biết tin khi đang ăn sáng.
Anh cả Trần, bao lâu nay trên đường gặp nhau không nói câu nào, hiếm khi chủ động đến báo cho em trai biết.
“Mẹ ốm nặng rồi, em về thăm đi.”
Mùa thu hoạch lúa vừa kết thúc, Trần Thúy Xuân đã đồng ý với việc làm bánh bao mà Giang Văn Thanh đề nghị, cả nhà đang vui vẻ bàn xem cho nhân gì vào bánh bao thì ngon.
Bàn ăn vừa rồi còn tràn đầy tiếng cười nói, giờ bỗng chốc lặng im.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía người con thứ ba. Ông ngẩn ngơ một lúc rồi nói: “Biết rồi.”
Anh cả Trần không ở lại lâu, nói xong rồi đi.
Trần Lương Phong ngồi đó, ăn xong vẫn còn do dự, Trần Thúy Xuân thúc giục ông đi thăm mẹ nhưng ông chỉ nhíu mày, ngồi trước cửa nhà.
Giang Văn Thanh nghĩ mình có thể hiểu được cảm giác của cha chồng. Ông đã giữ vững lập trường bao nhiêu năm, chính là để khiến cha mẹ phải hối hận.
Có lẽ ông còn mang tâm lý muốn bỏ mặc tất cả, rằng nếu cha mẹ không yêu thương mình, thì thà cứ cắt đứt hoàn toàn quan hệ.
Nào ngờ giờ mẹ ngã bệnh, ông không đi thăm thì sau này sẽ áy náy không yên.
Nhưng nếu đi thăm, chuyện này coi như đã được giải quyết, không chừng lại còn diễn ra một màn hòa giải đầy cảm động, cuối cùng mẹ khỏi bệnh, con hiếu mẹ hiền.
Chuyện này không có giải pháp cụ thể, không thể giải quyết triệt để, mà sẽ chỉ biến thành sự nhượng bộ của riêng mình ông.
Mười năm giữ lòng, cuối cùng chỉ trở thành trò cười.
Không đi thì không được, họ hàng nhà họ Trần có thể lấy chuyện này mà mắng ông không ra gì.
Mắng ông đã đành, nhưng vợ con ông cũng sẽ bị liên lụy.
Dù nghĩ theo cách nào, người chịu tổn thương trong chuyện này vẫn chỉ có mình ông. Đúng là câu nói “cha mẹ không bao giờ sai” lại một lần nữa được ứng nghiệm.
Giang Văn Thanh thấy thật mỉa mai, cha chồng cô lần này dù thế nào cũng phải cúi đầu.
Quả nhiên, ông còn chưa kịp đi, bác hai của Trần Mộc Văn đến.
Bác hai chính là người đã cho nhà họ vay gạo năm đó. Bao nhiêu năm qua, hai nhà lại càng thân thiết hơn.
Bac hai đã chuẩn bị kỹ lưỡng, vốn dĩ ông ấy là người đi lại rất nhanh nhẹn, song hôm nay lại chống gậy đi đến, chỉ để xem phản ứng của Trần Lương Phong.
“Mày còn ngồi đây làm gì? Không đi thăm mẹ à?” Nói rồi ông ấy còn lấy gậy đánh ông một cái: “Anh nói cho mày biết, trừ khi bọn già tụi anh chết hết, còn không mày đừng hòng tách ra khỏi nhà họ Trần!”
Trần Lương Phong cười chua chát, rồi theo bác hai đi thăm mẹ.
Trương Lan Hương ngó ra từ khe cửa sổ, đợi mọi người đi rồi mới hỏi Giang Văn Thanh: “Chúng ta vẫn làm bánh bao chứ?”
Chị ấy nghe Giang Văn Thanh nói, giờ thì chị ấy bắt đầu mong mỏi rồi...
Giang Văn Thanh và Trần Mộc Đào đang đứng dưới mái hiên, đồng loạt nhìn về phía người phụ nữ đang chủ trì trong bếp.
Trần Thúy Xuân:...
“Làm!”
Mọi người nghe xong đều vui vẻ ra mặt, Giang Văn Thanh sợ mẹ chồng đổi ý nên vội đi chuẩn bị bột cho lên men.
Trần Thúy Xuân lẩm bẩm vài câu nhưng cũng không ngăn cản cô.
Mấy ngày trước, Trần Mộc Văn đi huyện đã mua về 5 cân bột mì loại thường. Bột mì này không trắng mịn bằng loại tinh bột, nhưng khi trộn với bột thô thì trắng hay không cũng chẳng quan trọng lắm.
Bánh bao trộn thêm bột thô chắc chắn sẽ không mềm xốp như bánh bao làm từ bột trắng tinh, chẳng qua điều kiện gia đình có hạn, cũng không còn cách nào khác.
Trần Thúy Xuân chỉ chia cho Giang Văn Thanh 1 cân bột mì loại thường và một cân bột thô.
Nếu ủ bột tốt, 1 cân bột có thể làm được khoảng 20 vỏ bánh. Nhà không có men sẵn, nên Giang Văn Thanh quyết định tự làm men từ đầu để bột nở tốt. Từ đây, men bánh bao của nhà họ Trần sẽ bắt nguồn từ cô.