… Không phải chứ, sư phụ, người đâu có nói Huyền Băng Thác cao lớn thế này!
Đả toạ bên dưới? Không bị nước cuốn trôi đi xa mấy trăm trượng là may rồi!
Tuân Diệu Lăng vừa lẩm bẩm vừa cởi áo ngoài, vừa bước chân vào nước, hành khí lạnh buốt nháy mắt thấm vào tận xương.
Tuân Diệu Lăng hít sâu, nhận ra mình càng do dự càng khso tiến lên. Nàng theo bản năng vận chuyển linh khí trong cơ thể, lao thẳng xuống dưới thác ——
Trong phút chốc đã bị dòng nước đập ra ngoài.
Tuân Diệu Lăng rơi “ùm” xuống hồ, lập tức bị dòng chảy ngầm cuốn lấy, trải nghiệm cảm giác như trong máy giặt.
Nàng sặc một ngụm nước, dòng nước chảy và bọt khí hỗn loạn chợt mờ đi. Vì vậy nàng dứt khoát nhắm mắt lại, không giãy giụa, tùy ý để dòng nước đẩy đi. Một lát sau, dòng chảy ổn định. Khi không khí trong phổi cạn dần, nàng ngẩng đầu nhìn lên, quả nhiên có thể thấy ánh sáng loang lổ xuyên qua sóng nước lấp lánh, bèn đạp chân bơi lên phía trước.
Khoảnh khắc hít thở không khí trở lại, nàng như được tái sinh.
Tuân Diệu Lăng vật lộn bơi từ giữa hồ vào bờ, chân tay nhỏ nhắn không ngừng quẫy đạp như con vịt ngộ nghĩnh.
Vừa bò lên bờ, nàng liền quỳ rạp xuống bãi đá, hai tay ôm cả người, run cầm cập.
… Suýt chút nữa bị một ngọn thác đùa chết!
Nếu không phải cả hai kiếp Tuân Diệu Lăng đều sinh ra ở vùng sông nước, từ nhỏ quen bơi lội, thì có lẽ đã chìm nghỉm dưới thác rồi.
Người nào đủ cứng mới có thể đả tọa ở đây chứ?
Chuyện thử thách Huyền Băng Thác đương nhiên thất bại.
May mắn việc học trận phổ khá thuận lợi.
Cái gọi là đạo trận pháp, chính là nghệ thuật sử dụng phù văn đặc thù để dẫn dắt quy tắc và năng lượng, xây dựng cấu trúc không gian, có thể dùng cho công kích, trị liệu, truyền tống, hỗ trợ tu luyện... Học trận pháp, ngoài học phù văn, còn cần không ngừng đào sâu hiểu biết và vận dụng các loại năng lượng.
Nói nó cứng nhắc, từ việc khắc hoạ trận văn đến bố trí trận khu, đều phải tỉ mỉ, không sai sót, thì trận pháp mới vận hành. Nói nó linh hoạt, với người thông hiểu, trận pháp thiên biến vạn hóa, chỉ cần thay đổi chút ít có thể đảo ngược càn khôn.
Tuân Diệu Lăng dường như có thiên phú về mảng này.
Ngay cả Tạ Chước sau khi dạy nàng một ít căn bản, trên lớp chủ yếu ngồi xem nàng thực hành, chỉ điểm ở vài thời khắc then chốt.
Theo lời hắn, với thiên tư của Tuân Diệu Lăng, dạy theo khuôn mẫu thì quá phí, phải tự học mới phát huy được sức sáng tạo của nàng —— nhưng nàng nghi ngờ đây chỉ là cái cớ để sư phụ lười biếng mà thôi.
Hai tháng sau.
Dưới thác nước, Tuân Diệu Lăng ngồi ngay ngắn trên một phiến đá. Nàng mặc áo ngắn trắng thuần, khuôn mặt trắng nõn, như hòa làm một với thác băng.
Nhìn từ xa, nàng tựa hồ đang khép hờ hai mắt, vẻ mặt an tĩnh, nhưng thực ra toàn thân căng cứng, hàm răng nghiến chặt, không dám lơi lỏng hay né tránh chút nào. Những giọt nước lạnh buốt đập vào cơ thể nàng, từng giọt nặng như búa tạ. Tiếng thác nước vang vọng trời cao, bọt nước tung tóe, sương mù bốc lên… Mỗi hơi thở của nàng đều nặng nề mà hữu lực, cùng với linh khí lưu chuyển trong kinh mạch, mang đến từng cơn đau âm ỉ.
Khi điều khiển linh khí, nàng phải mạnh mẽ, chuẩn xác và liên tục không ngừng. Dần dà, trong mắt nàng, cơ thể mình như thể trở nên “trong suốt”, kinh mạch toàn thân hiện rõ, khả năng khống chế linh khí cũng tiến thêm một bậc.
Tuân Diệu Lăng đã đến Thần Tiêu Cung nghe qua hai buổi giảng, biết tình trạng hiện tại gọi là “nội quan đạo thể*”, là một trong những kỹ năng thiết yếu của tu sĩ dẫn khí nhập thể, dùng để nắm bắt thông tin cơ thể mình.
Nội quan pháp còn có thể định thần tĩnh tâm. Đạo kinh viết: “Nhược giác nhất niệm khởi, tu trừ diệt, tắc nội quan, dĩ diệt động tâm.”
(Tạm dịch: Nếu cảm thấy một ý nghĩ nào đó nảy sinh, phải diệt trừ ngay, hãy nội quán để dập tắt tâm xao động.)
Khi đả tọa dưới thác nước, càng suy nghĩ lung tung càng dễ bị cuốn đi. Về sau Tuân Diệu Lăng hình thành phản xạ có điều kiện, cứ ngồi xuống là bắt đầu nội quan, tập trung tâm trí, nhờ vậy mà trụ được lâu hơn.
——
Chú thích:
(1) Nội quan đạo thể: Trạng thái quán chiếu nội tâm và cảm nhận rõ ràng cơ thể tu luyện (bao gồm kinh mạch, linh khí, huyệt đạo...).