Căn nhà họ thuê nằm ở phía tây trung tâm làng, vị trí địa lý rất tốt.
Sân không nhỏ, gồm năm gian nhà chính. Hai gian ở phía tây dùng để chứa đồ của chủ nhà, gia đình cô có thể ở ba gian còn lại. Phía đông có một dãy nhà ngang, một gian làm bếp, một gian làm kho chứa đồ, còn trong góc sân là nhà vệ sinh. Phía trước nhà chính có một vòi nước máy, bên cạnh là giếng bơm tay.
Người ta vẫn thường nói, thập niên tám mươi là thời kỳ hoàng kim, chỉ cần có gan làm ăn thì ắt sẽ phát tài. Lương Chính Dũng chính là một trong số những kẻ đó.
Thuở ban đầu, ông ta cùng một nhóm thanh niên trong làng rời quê hương đi lập nghiệp.
Không chỉ có ngoại hình bắt mắt, đầu óc nhanh nhạy, mà ông ta còn sở hữu một thân thể khoẻ mạnh rắn chắc, làm việc vất vả cũng không nề hà. Chẳng bao lâu sau, ông ta đã kéo theo một nhóm đồng hương cùng tham gia vào công việc vận chuyển và bốc xếp hàng hóa.
Vào cuối những năm 1980, khi mà lương giáo viên chỉ vỏn vẹn hai, ba trăm tệ mỗi tháng, thì ông ta đã có thể kiếm được ba, bốn nghìn tệ. Nếu đi xa hơn, còn có thể kiếm nhiều hơn thế, chưa kể đến những khoản thu nhập mờ ám khác. Chỉ trong vòng một, hai năm, Lương Chính Dũng đã từ một kẻ nghèo rớt mồng tơi, lột xác thành “ông chủ Lương”.
Nhưng khi một kẻ bần hàn bỗng nhiên trở nên giàu có, mà lại chẳng qua một quá trình tích lũy bài bản, thường sẽ không thể giữ vững được bản thân. Thậm chí Lương Chính Dũng còn chẳng xứng được gọi là đại gia mới phất, vì ông ta hoàn toàn không có chút ý thức nào về việc quản lý tiền bạc.
Ông ta ảo tưởng mình đã trở thành nhân vật tầm cỡ, nên thường vung tiền như rác. Đám bạn bè lưu manh xung quanh chỉ cần tâng bốc vài câu, ông ta đã cảm thấy như lên mây, không còn phân biệt nổi đông tây nam bắc, chẳng ăn chơi trác táng một phen thì cảm thấy uổng phí danh xưng “ông chủ Lương”.
Ba năm bôn ba, tiền kiếm được thì chẳng còn bao nhiêu, vợ con ở quê cũng không được hưởng chút lợi lộc nào. Trái lại, ông ta còn ra sức nuôi báo cô một đám bạn bè rượu chè bê tha, lãng phí tiền bạc vào những thói hư tật xấu.
Hậu quả là, sau ba năm phất lên, chẳng những không còn lại gì, mà còn rước về một thân nghiện cờ bạc, rượu chè và hơn hết là một đống nợ nần chồng chất.
Lần này, bọn họ bị ép phải rời khỏi quê hương chính là vì chuyện đó.
Năm ngoái, vào dịp Tết, chỉ vì vài lời tâng bốc của đám bạn, ông ta đã vỗ ngực đảm bảo, đứng ra làm người bảo lãnh cho một khoản vay nặng lãi lên đến vài vạn tệ.
Ai ngờ đâu, kẻ vay tiền lại cuỗm sạch số tiền ấy, ôm vợ con bỏ trốn mất dạng. Đến kỳ trả nợ, chủ nợ không tìm được người vay, bèn kéo đến tận cửa nhà Lương Chính Dũng để đòi tiền.
Lạc Ngọc Phân không còn cách nào khác, đành phải cắn răng, mang theo cái bụng bầu cùng hai cô con gái bỏ trốn trong đêm. Vất vả ba ngày đường, cuối cùng đặt chân đến Lý Gia Trang.
Ngay từ lần đầu tiên bước vào sân nhà này, Lạc Ngọc Phân đã rất vừa ý.
Trước khi lập gia đình, bà sống ở thị trấn nhỏ, tuy điều kiện không quá dư dả nhưng vẫn còn tốt. Nhưng sau khi gả cho ông ta, bà chỉ được sống trong căn nhà đất tồi tàn.
Dù sân nhà rộng rãi, nhưng vì phải nuôi gà, nuôi vịt, lại còn nuôi lợn, nên lúc nào cũng bẩn thỉu bừa bộn. Ngay cả nước máy, cũng chỉ mới được nghe nói đến. Kể cả quê ngoại, nơi nằm ngay trong thị trấn, cũng chỉ có thể dùng nước giếng.