Xem tên đoán nghĩa, thơ yến ngày xuân là tiệc để mọi người tụ tập ngâm thơ câu đối. Phi hoa lệnh, ném thẻ vào bình rượu, đều là thú vui tao nhã của văn nhân.
Tục ngữ nói chỉ cần nơi nào có người ắt có ân oán, con cháu giới quyền quý Trường An cũng chia thành nhiều cấp bậc. Con vợ cả ít kết giao với con vợ lẽ, xuất thân quan văn khinh thường võ tướng, có tước vị đương nhiên thuộc hàng cao nhất, người hăng hái tiến lên lại khinh thường hạng ăn chơi vô công rỗi nghề.
Kiểu có tiếng ăn chơi trác táng như Trần Kiểu sẽ cực kỳ ít xuất hiện nơi thơ yến tao nhã này. Một là không ai thèm rủ nàng tới chơi, hai là nàng không có hứng thú đối với ca trừ thi phú. Chủ yếu là nàng không có văn hóa, không viết được, cũng không có mặt mũi để người hầu viết rồi mình chép lại.
Nhưng tình huống lần này đặc thù, chư vị đồng nghiệp chủ động làm hòa với nàng, vì tình đoàn kết giữa các đồng nghiệp trong tương lai, nàng không thể không đi.
Trần Kiểu không những không đi một mình mà còn rủ thêm bạn tốt Vương Thời Cảnh, dùng lời hay ý đẹp đó là dẫn hắn ta đi làm quen với địa điểm quen thuộc của Trạng Nguyên, để văn hóa hun đúc, sau này thi đậu rồi đỡ bỡ ngỡ.
Trần Kiểu tự xét thấy cách đây không lâu mình mới đắc tội với Ngũ hoàng tử lòng dạ thâm sâu, vì an toàn của bản thân, gần đây nàng ra ngoài không chỉ dẫn theo thị vệ tùy thân, mà đi đâu cũng kéo theo hảo huynh đệ Vương Thời Cảnh làm bọc hậu.
Vương Thời Cảnh học võ từ nhỏ, ôm mộng lang bạt giang hồ, võ công đương nhiên không kém cạnh ai. Hơn nữa hắn ta còn là tôn tử phủ Hữu Tướng, quan trọng là cái này này, trừ khi Ngũ hoàng tử muốn trực tiếp lật bàn làm phản, nếu không tuyệt đối không dám chơi đùa trên đầu Hữu tướng.
Người tổ chức thơ yến họ Châu, là trưởng tử Kinh Triệu Doãn, tuổi hai mươi có thừa, đã có thân phận cử nhân, xưng với câu tuổi trẻ tài cao. Một tháng trước hắn ta vừa đi Chiết Giang du học về, sẽ tham gia khoa cử năm nay.
Địa điểm của thơ yến nằm ở sơn trang suối nước nóng nào đó ở ngoại ô, hoa đào bay nhè nhẹ, suối nước chảy róc rách.
Vùng ngoại ô Trường An, bên ngoài sơn trang suối nước đóng xinh đẹp, vô số xe ngựa đỗ trước cửa lớn, một vị công tử trẻ tuổi đầu đội tiểu quan thản nhiên bước xuống xe ngựa.
Châu công tử nhìn cành liễu xanh tươi rũ bên tường, cười nhạt nói: “Ngày xuân cảnh sắc tươi đẹp, mời chư vị cùng nhau thưởng thức.”
Một vị công tử tham gia thơ yến khác phe phẩy quạt xếp trong tay, bước chậm đến bên cạnh hắn ta, mỉm cười phụ họa nói: “Ta đã ngửi thấy hơi thở ngày xuân.”
Đúng lúc này, phía sau bỗng nhiên vang lên tiếng vó ngựa lộc cộc, sau đó dừng ngay bên cạnh. Một người vội nhảy xuống khỏi xe ngựa, trên đầu đội khăn Khổng Tử, đưa tay chống nạnh: “Ôi! Ta ngửi thấy mùi vịt quay thơm lừng.”
Một thiếu niên khác cũng vội vọt ra khỏi thùng xe, vịn cành liễu khô bên cạnh rồi bắt đầu nôn khan.
Những người khác:…
Rất nhiều văn nhân nhìn thấy hai người xuất hiện đột ngột, chút nhã hứng vừa nảy sinh lập tức mất tăm, tâm trạng bỗng dưng tệ hẳn đi.
Khóe miệng Châu công tử là chủ nhân của thơ yến lần này cứ giật liên hồi, ánh mắt đảo qua người Trần Kiểu sau đó dừng lại trên người Vương Thời Cảnh đang vịn cành cây.
Vương Thời Cảnh là biểu đệ Thái tử, là tôn tử của đương kim Hữu tướng, là tiểu nhi tử của Hộ Bộ thượng thư. Nhà họ Vương là là dòng họ lớn, khiến cho địa vị Vương Thời Cảnh như nước lên thuyền lên, trong hàng con cháu nhà quyền quý Trường An thì hắn ta thuộc về tầng cao nhất của giai cấp thứ hai.
Giai cấp đầu tiên đương nhiên thuộc về các vị hoàng tử và công chúa, dưới chế độ hoàng quyền, con cháu Hoàng đế đều được coi là con Rồng con Phượng, vừa chào đời đã hơn hẳn người bình thường, giai cấp khác nhau, không thể so bì.