Chiếc xe này của Trịnh Bình là từ trong tay những người chuyên vận chuyển hàng hóa loại bỏ ra, không chỉ loang lổ vết rỉ mà tấm ván đệm dưới thùng xe cũng nứt ra, nhưng mà đối với Trịnh Bình mà nói thì những thứ này không là vấn đề, chỉ cần có thể đi là được. Sau khi bà nhận được xe, dùng giấm tỉ mỉ lau sạch các chỗ có vết rỉ, lại đệm thêm dưới thùng xe một tấm ván bền chắc, coi như tân trang đơn giản cho chiếc xe này.
Có xe, bà liền bắt đầu mỗi ngày dậy sớm nấu cơm, kéo đi lên chợ bán.
Ban đầu vì chuyện mua xe, Hứa Quân không biết đã cùng Trịnh Bình ồn ào bao nhiêu lần, cuối cùng vẫn là thấy bà thật sự kiếm được tiền, mới không nói thêm gì nữa, yên tâm để vợ kiếm tiền.
Có lẽ những người nhạy cảm và có năng lực sẽ luôn đau khổ hơn những người khác, con người Trịnh Bình tốt như vậy nhưng lại lấy phải ông chồng như Hứa Quân, phần đời còn lại của bà ấy trực tiếp bị ông ta liên lụy. Nghĩ đến tình tiết câu chuyện sau này, Hứa Cẩm Vi không khỏi cảm thấy đau lòng vì người phụ nữ vừa kiên cường vừa đáng thương này, ý muốn thay đổi tình tiết câu chuyện sau này càng thêm mãnh liệt.
- - Tuyệt đối không thể để cho Trịnh Bình đi vào con đường bi thảm trong sách!
Sau khi hai mẹ con dọn hết đồ lên xe ba bánh, Trịnh Bình dùng một cái chăn bông che tất cả lại rồi cột dây cố định xong mới nói với Hứa Cẩm Vi,
“Niếp Niếp lên đi, mẹ đưa con đến trường.”
“Dạ.” Hứa Cẩm Vi mang cặp sách, ngồi lên.
Vị trí của chợ Nhất Trung không tệ, chung quanh có một nhà máy dệt và một xưởng in, vì vậy buổi sáng sẽ có người đến chợ Nhất Trung bày sạp bán điểm tâm, có bánh bao, bánh tiêu và sữa đậu nành các loại, đủ mọi món ăn, tốn mấy xu là có thể ăn no. Trịnh Bình cũng bày sạp ở đó, mỗi ngày có thể thuận đường đưa con gái đến trường học, đỡ phải để con gái đi bộ hơn nửa tiếng mới đến trường.
Trịnh Bình đạp xe ba bánh đưa Hứa Cẩm Vi đến cổng trường, dặn dò cô mấy câu đại loại như cố gắng học tập rồi lại lấy ra một hộp cơm bằng nhôm, bên trong đựng bữa cơm trưa hôm nay của cô.
Hứa Cẩm Vi cẩn thận đặt hộp cơm vào trong túi xách rồi lại giúp Trịnh Bình tháo đồ trên xe xuống.
“Niếp Niếp, mẹ tự làm là được, con mau vào trường đi.” Trịnh Bình không nỡ để con gái vất vả nên lại bắt đầu đuổi người.
“Mẹ, bây giờ mới hơn bảy giờ, trường học cũng không có ai, con đi cũng ngồi ở trong phòng ngẩn người, còn không bằng ở chỗ này chơi với mẹ.”
“Con...” Trịnh Bình còn muốn khuyên nữa nhưng có khách tới.
“Bà chủ, hôm nay bán cháo gì a?” Người này mặc đồng phục công nhân màu xanh đen, là công nhân làm ở xưởng gần đây.
“Có cháo khoai lang và cháo cải xanh.” Có khách đến, Trịnh Bình cũng không tiện nói chuyện với con gái nữa, vừa đáp vừa giở hai nắp nồi sắt lớn ra, bởi vì trên đường đi có chăn bọc kỹ nên lúc này cháo bên trong vẫn còn nóng hầm hập.
“Bà chủ, cháo cải xanh của chị thật là thơm a!”
“Ừm, được nấu từ nước hầm xương đó.”
Lúc này mua thịt heo cần tốn phiếu thịt nhưng mua xương đầu heo và lòng heo thì không khó khăn như thế, trên cơ bản chỉ cần tốn mấy hào là có thể mua được không ít, cho nên Trịnh Bình dùng nước hầm xương đầu heo, lúc cháo cải xanh chín thì bỏ vào, khiến cho mùi vị của cháo càng trở nên thơm ngọt.
“Được, cho tôi một chén cháo cải xanh đi!” Công nhân đưa tiền và chén sứ tráng men cho Trịnh Bình.
“Được!” Đây là đơn làm ăn đầu tiên trong hôm nay, Trịnh Bình múc cho anh ta một tô đầy ắp.
Người nọ mới vừa cầm chén cháo thì không nhịn được hớp một hớp lớn, sau đó giơ ngón tay cái lên khen:
“Ồ ngon quá!”
“Cậu thích là được.” Trịnh Bình cười nói.
“Bà chủ, đây là con gái chị à?”
Người nọ ăn cháo, nhìn cô bé ngoan ngoãn bên cạnh bày quán giúp Trịnh Bình, không nhịn được mở miệng hỏi.
“Đúng vậy, đứa nhỏ này một hai đòi giúp tôi.” Trịnh Bình trong miệng nói lời trách cứ nhưng nụ cười trên mặt thì lại không có cách nào che giấu. Trước kia bà bày quán không dám để con gái phụ giúp, sợ cô bị bạn học thấy được, bàn ra tán vào. Nhưng mà con gái hiểu chuyện như vậy, lại có cha mẹ nào không cảm thấy vui vẻ, trong lòng không tự hào chứ?