Mị thật khó nói với con bé rằng con thỏ này nhiều nhất chỉ nuôi qua vụ mùa này, đủ béo là sẽ bị nàng mang ra hương thị đổi lương thực. Nhưng cũng phải, dù chỉ nuôi nửa tháng một tháng, lỡ gặp ngày mưa... Đúng là Nô Nô lo không sai chút nào, đừng để nuôi chết mất, thế thì tiếc lắm.
Nàng nhìn quanh, từ mấy khúc gỗ tròn chất đống ở góc sân chọn một khúc chỉ cao năm sáu thốn, tương đối to và sạch sẽ bê vào, đặt ở phía dưới nửa mái che, nói: “Thế này nước mưa không ngấm vào được nữa chứ?”
Khúc gỗ tròn lớn đó đủ cho ba con thỏ nằm lên trên.
Nô Nô hài lòng, hớn hở rủ Trúc Sinh và Hoan Nhi cùng đi nhặt lá cỏ khô về lót đáy chuồng cho thỏ.
Nhìn vẻ mặt quý hóa đó của con bé, Mị lắc đầu, hỏi Ngu: “Nhà các ngươi có giữ hạt giống rau không? Nếu có ta gánh gánh củi sang đổi với nhà ngươi một ít.”
“Có, có đáng gì đâu, cần gì củi, lát nữa ta gói mỗi thứ nhà có mang sang cho ngươi một ít.” Nói rồi vội vã về nhà, không lâu sau đã xách một cái giỏ mây nhỏ sang, bên trong toàn là các loại hạt giống rau lớn nhỏ được gói kỹ càng bằng lá dong khô hoặc lá sen khô.
“Dưa, bầu, rau quỳ, cải xanh, hẹ, hành tăm, cải dầu, củ cải tròn, củ cải trắng, hành củ hành lá, còn nhiều loại nữa, nhà ta có gì đều gói cho ngươi một phần rồi, ngươi tự cất đi rồi xem đúng thời vụ mà trồng.”
Nàng ấy vừa đặt giỏ lên phiến đá ở ngưỡng cửa phòng củi nhà Mị, vừa kể tên từng loại hạt giống một. Còn về gánh củi Mị đã bó sẵn, nàng ấy nhất quyết không lấy, kéo Trúc Sinh đang chơi vui vẻ bên chuồng thỏ xách cái giỏ mây không về nhà.
Ngu không lấy thì mặc Ngu không lấy, mấy ngày nay Mị được nhà Ngu chiếu cố nhiều, rảnh tay vẫn mang một gánh củi đầy đặt vào trong sân nhà Ngu, cũng không kinh động người nhà họ, tự mình về nhà.
Nô Nô rất ra dáng quản gia, sớm đã cất hết các loại hạt giống rau quý báu vào tủ, lại chạy ra hỏi nàng: “A mẫu, khi nào chúng ta trồng rau? Giờ con có thể nhặt hạt cỏ, vặt lá cỏ cho gà và thỏ ăn, chờ sau này có nhiều gà con và thỏ con, chỉ ăn lá cỏ chắc không đủ no đâu nhỉ? Chúng ta mau trồng rau đi.”
Mị: “??? Đâu ra nhiều thỏ con?”
“Thỏ lớn không phải sẽ đẻ thỏ con sao?”
Hoan Nhi ra vẻ hiểu biết nói chen vào: “Trúc Sinh a huynh nói huynh ấy thấy trong núi rồi, một con thỏ lớn một lứa đẻ được mấy con thỏ con liền.”
Mị bị hai đứa nhỏ này chọc cho bật cười, thảo nào cứ một mực đòi tự nhà nuôi.
Còn chưa biết là thỏ đực hay thỏ cái, đã nghĩ đến thỏ con. Mà dù là thỏ cái, chỉ có một con này thì đẻ thỏ con ở đâu ra?
Nô Nô và Hoan Nhi còn chưa hiểu đạo lý trong đó, dù Nô Nô thông minh sớm, cô bé biết trẻ con đều có a ông (phụ thân) a mẫu, hoặc a mẫu có Trọng phụ rồi sẽ sinh thêm cho cô bé một đệ đệ, nhưng cô bé không liên hệ chuyện này với gà thỏ. Bởi vì gà con là do gà mẹ ấp trứng, qua một thời gian gà con sẽ từ trong trứng nở ra mà. Cho nên trong mắt cô bé, thỏ cũng như vậy.
Hai tỷ đệ bị mẹ cười cho ngơ ngác nhìn nhau. Mị cũng tinh nghịch, không giải thích cặn kẽ cho hai đứa, còn vỗ đầu hai đứa trẻ, bảo chúng cứ nuôi cho tốt, cứ chờ xem trò vui của hai tỷ đệ chúng nó.
Nô Nô đứng trên ghế đẩu nhỏ nấu cơm chiều, Mị tranh thủ trời còn sáng cuốc mảnh vườn nhỏ sau nhà đã cắt cỏ tranh.
Tháng năm thích hợp nhất là trồng rau quỳ và dưa ngọt, nàng định vừa khai hoang vừa trồng, khai hoang được mảnh nào thì trồng mảnh đó. Cả người lẫn gà và thỏ trong nhà, chẳng phải đều đang chờ ăn sao. Mấy ngày nay mấy mẹ con và chú gà con trong chuồng chung cảnh ngộ, hoàn toàn dựa vào ít rau dại đào được lúc đi làm ngoài đồng về để độn bữa.