Mị đưa tay vuốt ve thân cây du đã bị lột vỏ, nghe thấy Nô Nô ở bên cạnh nói: “Sao vỏ cây lại mất rồi? Tín Nam nói vỏ cây bị lột mất một vòng thì cây sẽ khô chết. A mẫu, cây này còn sống không?”
Mị lắc đầu: “Có thể còn sống, có thể đã khô chết rồi.” Chưa khô chết thì cũng gần đất xa trời.
“A.” Nô Nô giọng điệu có chút tiếc nuối, ngẩng đầu nhìn những cái cây còn chưa quá cao lớn, rất lấy làm tiếc cho chúng, lại đưa tay sờ thân cây, hỏi: “Vì sao vỏ cây bị lột nhiều như vậy?”
Đây là câu hỏi mà lúc trước nàng đã hỏi một lần nhưng không nhận được câu trả lời.
Mị cúi đầu nhìn Nô Nô: “Con thật sự quên hết rồi sao?”
Mị nhớ lại năm đó nạn đói, nàng lột vỏ cây du, dùng cối đá giã vỏ cây, lúc đó Nô Nô mới bốn tuổi dựa vào bên cạnh cối đá thèm thuồng nuốt nước miếng.
“Quên cái gì ạ?”
“Vỏ cây là a mẫu lột, lúc nạn đói vỏ cây du có thể dùng để chống đói.”
Chỉ là năm đó nàng cũng không lột sạch hết vỏ cây, bởi vì nàng biết rất rõ, khi phần lớn mọi người trong thôn đều bắt đầu dùng vỏ cây lót dạ thì cũng không còn cách cái chết bao xa. Nô Nô còn nhỏ như vậy, nàng lại thân cô thế cô chỉ có một mình, không thể thực sự chờ đến bước đường cùng đó mới hành động. Cho nên, rất nhanh đã nghĩ cách về nhà mẹ đẻ trong thôn tìm người quen cùng nhau bỏ trốn, sau này biết được một số chuyện càng chứng minh lựa chọn đó quả thực là đúng đắn.
Nàng đang chìm trong dòng suy nghĩ của mình, Nô Nô thì tròn mắt kinh ngạc: “Vỏ cây cứng như vậy, ăn thế nào ạ?”
“Không phải ăn lớp vỏ ngoài cùng, mà lấy lớp vỏ sát bên trong, dùng cối đá giã nát rồi trộn với lương thực để lót dạ.”
“Con cũng từng ăn sao?” Nàng quả thực không dám tin.
“Rất ít, một chút thôi.”
Khi đó nàng dành phần lớn khẩu phần lương thực cho Nô Nô, bản thân ăn vỏ cây nhiều hơn, chỉ đến khi hạt lương thực cuối cùng cũng không còn, mới phải cho Nô Nô ăn một chút vỏ cây du.
Nô Nô mặc dù không có ký ức năm bốn tuổi, nhưng sau này thường xuyên hỏi a mẫu, cũng biết a mẫu và nàng là vì nạn đói không có lương thực mới phải đi làm tá điền.
Đứa trẻ lúc đó đã không còn biết ngon hay không ngon nữa rồi, đói đến mức thứ gì có thể bỏ vào miệng hay không thể bỏ vào miệng đều muốn nhét vào.
Ánh mắt Nô Nô nhìn mấy chục cây du kia đã khác hẳn: “Thì ra những cây du này đã cứu mạng chúng ta.”
“Đúng vậy, cây du là thứ tốt, đợi mảnh rừng này trống đi, chúng ta sẽ trồng lại một mảnh khác.” Mị vỗ vỗ nàng: “Muốn tìm hạt cỏ cho gà con thì sang bên rừng dâu ta kia kìa, a mẫu phải chặt ít cành cây, cẩn thận đừng để bị đập trúng, trông chừng Hoan Nhi cũng đừng để nó lại gần đây.”
Đợi Nô Nô đi rồi, Mị nhìn từng cây một, hiếm hoi lắm mới tìm được hai ba cây trên cành còn sót lại vài chiếc lá, chưa hoàn toàn mất hết sức sống, chọn lấy cành cây ở chỗ thấp nhất có độ lớn vừa phải, kê ghế đẩu gỗ dưới chân rồi trèo lên, thử với xem, rìu có thể chạm tới, lại điều chỉnh ghế đẩu gỗ cho phù hợp hơn một chút.
Mảnh rừng du này vốn được trồng vào mùa xuân năm thứ hai sau khi tân hôn, khi đó phu quân vừa san đất gieo hạt vừa cao hứng tính toán lợi ích kinh tế của việc trồng du với nàng——
“Nàng xem, vườn nhà chúng ta rộng, mảnh đất phía tây bắc này trồng hai mươi hai cây du, vẫn còn khoảng đất trống lớn để trồng thứ khác, hai mươi hai cây du này, hai cây trồng loại du thường, hai mươi cây còn lại đều trồng loại thích du, giáo du.”
“Cây du thường thì ăn được quả và lá, còn thích du, giáo du này lá tuy không ngon, nhưng gỗ lại tốt, bây giờ trồng xuống, đến năm thứ năm cành cây đã có thể dùng làm rường rồi, nghe nói đem bán, một cây có thể bán được mười tiền. Đợi đến khi cây được mười năm tuổi, giáo du có thể làm được nhiều thứ hơn nữa, bát canh lớn nhỏ, bình, hộp có nắp, cái nhỏ bảy tiền hai mươi tiền, cái lớn đáng giá trăm tiền, nuôi đến mười lăm năm, có thể làm trục xe, một bộ trục xe giá ba tấm lụa. Nàng xem xem đáng giá bao nhiêu?”