Hạt giống là chuyện lớn, Nô Nô đặt lồng mây đựng gà con ở nhà trên rồi chạy qua xem kỹ. Thực ra cũng rất dễ phân biệt, trong cái túi vải đựng hạt giống là từng túi nhỏ do hương bộ cấp. Nàng tò mò, bới từng cái ra xem kỹ: “Đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, kê nếp, kê tẻ, vừng...... Đây là hạt dâu tằm?”
“A mẫu, sao nhiều đậu tương thế?”
Ngoài kê nếp, kê tẻ ra, các loại đậu nhỏ rất ít, đa phần đều là đậu tương.
“Bởi vì đậu tương trồng xuống phần lớn đều có thể thu hoạch, còn các loại đậu nhỏ thì không chắc, cho nên những năm mất mùa thì cần phải trồng nhiều đậu tương mới tốt.”
Nô Nô nghe nửa hiểu nửa không, lại hỏi: “Vậy sao không có kê và lúa mạch?”
“Đã lỡ mất thời vụ trồng kê và lúa mạch rồi, bây giờ không trồng được, đợi hạt giống mới về, chúng ta lại đến hương bộ vay, sang năm là có thể trồng.”
Nghe nói sang năm mới trồng được kê, Nô Nô thất vọng ra mặt.
Hoan Nhi vốn đứng ở một bên, nghe a tỷ nó kể một loạt tên lương thực, cũng bỏ gà con của nó chen tới hóng chuyện, vừa hay nghe được chuyện vay hạt giống lúa mạch, liền non nớt hỏi: “A mẫu, không thể chỉ trồng kê không trồng lúa mạch sao? Lúa mạch không ngon, cứng ơi là cứng.”
Nô Nô định nói lúa mạch là thứ tốt mà, lời chưa kịp nói ra đã tự mình ngẩn người, lúa mạch tốt ở đâu chứ?
Lúc này liền thấy a mẫu của nàng lắc đầu: “Sẽ trồng ít đi một chút, nhưng không thể không trồng. Ông ngoại con trước kia dạy chúng ta, trồng trọt phải đủ năm loại ngũ cốc, kê nếp, kê tẻ, vừng, lúa mạch, đậu, loại nào cũng không thể thiếu, như vậy mới có thể phòng ngừa tai ương, sao có thể vì lúa mạch không ngon bằng kê mà không trồng lúa mạch chứ? Nhưng lúa mạch không phải trồng vào lúc này.”
Nô Nô nghe xong lời này, sự chú ý lập tức bị chuyển hướng, ngạc nhiên hỏi: “Vì sao trồng đủ năm loại là có thể phòng ngừa tai ương?”
Mị vừa buộc chặt miệng túi cất vào trong tủ, vừa dạy dỗ hai đứa con: “Bởi vì các loại lương thực khác nhau có yêu cầu về khí hậu và độ phì nhiêu của đất khác nhau, có loại chịu lạnh, có loại chịu hạn, có loại trồng ở đất đai cằn cỗi cũng sống tốt, như vậy chỉ cần không gặp phải cùng lúc nhiều loại tai ương, chúng ta sẽ luôn có chút thu hoạch.”
Nô Nô chợt hiểu ra, ghi nhớ lời này, lại tiếp tục bới tìm, không thấy có túi nhỏ nào mới nữa, liền “ồ” một tiếng: “Không có hạt giống rau ạ, không trồng rau sao?”
“Trồng chứ, hạt giống rau để hai ngày nữa ta đi tìm láng giềng trong thôn đổi một ít về, nhà nào cũng có tích trữ.”
Về phần dùng cái gì để đổi, cành cây du ở vườn sau chặt xuống, soạn ra nửa gánh củi là được, củi thì nhà nào cũng không chê nhiều.
Lương thực và hạt giống đều đã cất gọn gàng, việc cho gà ăn và nấu cơm tối Nô Nô đều biết thu xếp, Mị liền cầm chiếc rìu mượn được từ Ngu gia đi ra vườn sau.
Chuồng gà kiểm tra mấy mặt không thấy hư hỏng, tiện tay túm một nắm lá ngải cứu bên cạnh vò lại, quét dọn lớp bụi tích tụ bên trong chuồng gà ra ngoài, thay mấy lần lá cỏ, cuối cùng tìm cỏ khô lau lại một lượt nữa là có thể đặt con gà con kia vào, gọi Nô Nô xách gà tới, còn mình thì đi về phía bắc khu vườn.
Phía bắc nhất của vườn nhà là một mảnh rừng du nhỏ, khác với vẻ xanh tốt um tùm của mảnh rừng dâu ta bên cạnh, mảnh rừng du này vào mùa hè đáng lẽ phải tươi tốt nhất lại thưa thớt chỉ còn trơ lại những thân cây, cành cây khẳng khiu và vài chiếc lá ngoan cường treo trên cành.
“A mẫu, sao cây này không mọc lá vậy.” Nô Nô thu xếp gà con xong liền đi theo tới, ngẩng đầu nhìn mảnh rừng cây kỳ lạ này, ánh mắt quét đến thân cây, nó “Ồ” một tiếng: “Vỏ cây này mất rồi.”