So với thùng múc nước và chậu gỗ, hai tỷ đệ rõ ràng là quan tâm đến gà con nhất.
Trẻ con nào mà không thích mấy thứ lông xù chứ?
Huống hồ Nô Nô đã nghĩ kỹ, phải nuôi gà con thành gà lớn, gà đẻ trứng, trứng nở thành gà, gà lại đẻ trứng, trứng lại nở thành gà...
Nô Nô cảm thấy cứ nuôi như vậy, trong nhà sẽ không còn thiếu lương thực, thiếu tiền, thiếu muối nữa. Vừa rồi nàng đã thấy có bà lão lấy trứng gà đổi tiền.
Mị chỉ liếc mắt đã biết nàng đang tính toán gì, cười khẽ: “Sẽ có gà con thôi, yên tâm, chúng ta đi hỏi giá xem, lát nữa hỏi thử nhà Ngu bá nương, xem gà con nhà họ đổi ở đâu, nếu trong lý có thì đổi ở trong lý sẽ tốt hơn.”
Hương bộ dù sao cũng xa, xách về cả quãng đường này, nàng còn sợ gà con chịu không nổi.
Nghĩ là vậy, nhưng sự việc không phải lúc nào cũng diễn ra như nàng tính toán, bởi vì trên đường quay về, hai đứa nhỏ đã nghe thấy tiếng kêu chiêm chiếp từ xa.
Thế là hay rồi, vừa nhìn quanh, ánh mắt liền dừng lại ở một sạp hàng nhỏ ven đường.
Sạp hàng nhỏ thế này ở trong hương thị không nhiều, các nàng đi nãy giờ cũng chỉ thấy hai ba nhà thôi.
Người bán hàng là một bà lão trông chừng bốn năm mươi tuổi, trước mặt đặt một cái giỏ tre, tiếng gà con kêu chiêm chiếp chính là từ trong giỏ tre đó vọng ra.
Nô Nô đã chạy tới trước, cúi xuống nhìn, kêu lên một tiếng, quay đầu gọi: “A mẫu, ở đây có gà con này!”
Hai tỷ đệ mỗi người một bên, ngồi xổm cạnh giỏ tre, nhìn đám lông tơ xinh xắn kêu chiêm chiếp trong giỏ mà không muốn rời đi. Thân hình nhỏ bé hơi nghiêng về phía trước, rõ ràng là thích vô cùng.
Cũng biết điều, biết thứ này khó nuôi nên chỉ nhìn chứ không đưa tay chạm vào, chỉ tha thiết quay đầu nhìn a mẫu nhà mình, miệng giục giã: “A mẫu, a mẫu, người mau đến xem.”
Vẻ mặt mong chờ ấy, chỉ muốn lập tức ôm mấy con về nhà ngay thôi.
Đúng là người tính không bằng trời tính. Hai đứa trẻ đang háo hức, chẳng phải là gặp đúng lúc rồi sao?
Mị nắm chặt túi tiền chỉ còn bốn đồng Tần bán lượng và ba đồng tiền giáp, cười khổ bước tới, thầm nghĩ giá gà con này mong là đừng làm hai đứa trẻ thất vọng.
Tuy nói toàn bộ gia sản thực ra đều giấu trong đai lưng, nhà lại có khóa, nhưng trong lý vắng vẻ chưa tới ba mươi hộ, dãy nhà bên trái của các nàng lại chỉ có nhà nàng và Ngu gia là có người ở, mà cả hai nhà đều đã ra ngoài, nào dám để tài sản ở nhà? Trước khi ra cửa, mọi thứ có giá trị nàng đều chuyển vào nhà chính khóa lại, huống chi là tiền bạc.
Nhưng đang ở ngoài, cũng không tiện tháo đai lưng ra.
Nàng nhoài người nhìn vào giỏ gà con, có khoảng hơn chục con, con nào cũng khá khỏe mạnh, rõ ràng là được chăm sóc cẩn thận, bên cạnh bà lão còn đặt chừng mười cái lồng đan bằng mây nhỏ chỉ nhỉnh hơn bàn tay người lớn một chút.
“A bà, gà con này của bà bán thế nào? Có cho kèm lồng nhỏ không?”
Bà lão bán hàng có vẻ hơi căng thẳng, rõ ràng là nông dân trong lý chứ không phải dân buôn bán ngoài chợ. Nghe Mị hỏi giá, bà vừa mừng vừa ấp úng, gật đầu nói: “Có, có, cho kèm lồng nhỏ để đựng.”
Nói đến giá tiền, bà dừng lại một chút, ngón tay bối rối mân mê quai giỏ, rồi mới nói: “Bây giờ tiền nong khác xưa, ta không rành tính toán lắm, có thể đổi bằng lương thực không? Nếu không có lương thực, vải vóc cũng được.”