“Còn cô với thầy Giang là sao thế?”
Mặt cô ấy đầy vẻ hóng chuyện, chỉ thiếu cầm trên tay một nắm hạt dưa.
Từ lúc lên xe bò, Lâm Gia Hân đã chú ý đến việc cánh tay của Hứa Tĩnh chạm sát người đàn ông bên cạnh, trông rất thân thiết.
Không muốn bàn chuyện của mình với Giang Hoài Sơ, cô qua loa vài câu, rồi chuyển chủ đề:
“Còn hai người thì sao?”
“Anh ấy là bạn trai tôi.”
Hứa Tĩnh đổi ngay sang dáng vẻ thẹn thùng, lập tức mở tiếp “chiếc hộp tám chuyện.”
Lâm Gia Hân nghe chuyện CP của người khác thì hào hứng hẳn, chuyện giới tính của Giang Hoài Sơ cứ để đó đã.
Thời gian nói chuyện phiếm trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc, mọi người đã đến huyện.
Lâm Gia Hân theo cặp đôi vào hợp tác xã.
Bên trong được bố trí giống mấy cửa hàng tạp hóa mà cô từng thấy khi còn nhỏ. Nhân viên và khách hàng bị ngăn cách bởi những quầy kính cao, bên trong trưng bày đủ loại hàng hóa. Trên kệ phía sau nhân viên cũng có đủ loại mặt hàng, nhìn hoa cả mắt.
Lâm Gia Hân tò mò nhìn xung quanh. Trên quầy kính còn có vài cái bàn tính, nhân viên dùng cân đòn cổ để cân hàng, cân xong gảy vài hạt bàn tính rồi mới báo giá cho khách.
Nhìn cảnh này, cô có cảm giác như lạc vào một bộ phim đen trắng.
Lúc này đã là buổi chiều, không còn nhiều rau củ. Những món như dầu ăn, muối, xì dầu, dấm cô muốn mua đều có, nhưng phải có tem phiếu và tự mang chai lọ.
Lâm Gia Hân chỉ có tiền, Hứa Tĩnh ngỏ ý cho mượn tem phiếu, nhưng có vay thì phải trả. Lâm Gia Hân lo không trả nổi, nên từ chối.
Hứa Tĩnh nhỏ giọng gợi ý cô ra chợ tự do thử xem. Ở đó không cần tem phiếu. Lâm Gia Hân lục lại trong trí nhớ lộn xộn của nguyên chủ, quả nhiên tìm được đường đến chợ tự do.
Chào tạm biệt cặp đôi, cô chuẩn bị rời đi. Đang bước ra cửa hợp tác xã thì nghe Hứa Tĩnh từ phía sau hét to:
“Lâm Gia Hân, chúng tôi đợi ở điểm xe bò, về cùng nhé!”
Lâm Gia Hân mỉm cười, gật đầu. Trên đường đến đây cô còn chưa “hóng hớt” đã, chuyến về phải tám tiếp cho đã.
Một người phụ nữ đang chọn vải nghe thấy tiếng động, nhìn về phía Lâm Gia Hân rồi quay lại hỏi:
“Ông xã, đó có phải con dâu mình không?”
Lâm Gia Hân qua mấy khúc rẽ ngoằn ngoèo, cuối cùng cũng đến được chợ tự do trong con hẻm nhỏ.
Ở đây hàng hóa không ít, thậm chí có cả những thứ trong cửa hàng cung ứng không bán. Vì không cần tem phiếu, giá cả đương nhiên cao hơn, gần như gấp đôi.
Cô đi dạo một vòng, chưa vội mua gì. Lần này lên huyện, ngoài việc mua đồ, Lâm Gia Hân còn muốn xem thử có cơ hội kinh doanh nào không. Cô phải nghĩ cách kiếm tiền.
Làm ruộng, gặt lúa, những công việc nông dân như thế, nếu không đường cùng, cô chẳng muốn động tay vào.
Đôi tay của nguyên chủ dù ngăm đen nhưng rất mềm mại, nhìn qua cũng biết chưa từng làm việc nặng. Ngay cả khi cô muốn làm, cha mẹ nguyên chủ cũng chưa chắc đã đồng ý.
Dạo quanh một vòng, các quầy hàng đa phần bán những thứ thường thấy như gạo, bột mì, thịt cá, quần áo...
Rất tốt, ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cô cũng không biết làm.
Trước đây, khi còn trong thế giới bên ngoài, cô là một lập trình viên, kỹ năng giỏi nhất có lẽ là viết code. Nhưng trình độ chỉ ở mức đủ sống, thời gian cô viết tài liệu trong công ty còn nhiều hơn viết code.
Còn bây giờ, những công cụ để cô kiếm sống vẫn chưa phổ biến, nghĩ đến thôi cũng đủ khiến người ta đau đầu.
Không nghĩ ra cách kiếm tiền, cô quyết định tiêu tiền trước đã.
Ở cửa hàng cung ứng, gạo giá 15 xu một cân, còn ở chợ tự do là 25 xu một cân, chênh lệch 10 xu. Lâm Gia Hân không do dự, mua ngay 5 cân, cô thèm cơm đến phát điên rồi.
Cô hì hục khuân gạo ra xe bò, nhờ bác đánh xe trông giúp, rồi lại chạy đi mua tiếp.
Một người bán hàng tốt bụng cho cô mượn vài cái lọ. Nhờ vậy, cô mua được các loại gia vị như xì dầu. Nhà họ Giang không chỉ thiếu dầu mỡ, muối đường, ngay cả rau cũng chẳng có gì, cứ như vừa bị cướp sạch. Vì thế, cô mua thêm chút thức ăn như sườn, trứng gà, cà chua...